Giới trẻ ngày càng ngại Tết: Đâu là nguyên nhân gây nên điều này ?

Giới trẻ ngại Tết

Vào mỗi dịp Tết đến Xuân về hàng năm, ai cũng háo hức chờ mong được trở về sum vầy, cùng nhau đón mừng năm mới với gia đình và người thân. Dù mang không khí vui tươi và hạnh phúc thế nhưng, không ít các bạn trẻ ngày nay lại bày tỏ sự “lo ngại” vào những ngày Tết như thế này. Phải dọn dẹp nhà cửa, rửa bát, không được lì xì vì đã lớn hay đặc biệt là bị họ hàng “tra hỏi” những vấn đề như lương, thưởng, “khi nào kết hôn?”,… là những nguyên nhân phổ biến khiến giới trẻ đón Tết trong tâm trạng vừa vui vì được đoàn viên nhưng lại vừa ngại ngùng, hay thậm chí là áp lực vì những vấn đề lặt vặt khác. Dưới đây là những nguyên nhân điển hình khiến giới trẻ ngày càng ngại Tết.

“Cơn ác mộng” dọn dẹp nhà cửa

Trước Tết, cơn ác mộng dọn dẹp nhà cửa, lau chùi bàn ghế của các bạn trẻ thực sự bắt đầu. Bàn ghế gỗ chạm trổ không thể lau qua loa. Bếp dính két dầu mỡ cọ vài lần vẫn thấy nhờn. Nhện chăng tơ đầy góc nhà, khua chổi chỉ sợ nhện rớt trúng đầu… Ngần ấy cái sự ngại khiến bạn trẻ phát sốt ngay từ trong tiềm thức. Giải pháp ngăn chặn nỗi sợ này không gì khác ngoài sống ngăn nắp suốt 365 ngày, để dọn nhà đón Tết không còn là ác mộng.

“Nỗi sợ” mang tên rửa bát

Mỗi lượt khách đến chúc Tết là một lượt sắp mâm ra. Khách về lại dọn mâm vào rồi cặm cụi rửa bát. Mấy ngày Tết của nhiều bạn trẻ đã lặng lẽ trôi qua như thế.

Tết đến phải cặm cụi rửa bát

Chạy trốn khỏi vòng luẩn quẩn đó một mình hẳn không phải con ngoan trò giỏi. Thay vào đó, bạn có thể tặng cả nhà một chuyến du lịch 3-4 ngày để mọi người cùng được nghỉ ngơi đúng nghĩa.

“Thất thu” ngày Tết

Lớn đồng nghĩa với việc không còn được nhận lì xì mà phải lì xì lại đám nhóc em. #Thấtthu”, #đói là những hashtag phổ biến được giới trẻ sử dụng kèm ảnh chụp vài phong bao lì xì cho cả mấy ngày Tết. Tuy không thể quay ngược thời gian về thời còn no ấm, một giải pháp đáng tham khảo cho bạn là: Thay vì lì xì đại trà, bạn có thể cho đám nhóc em chơi bốc lì xì trúng thưởng, mệnh giá trải đều từ 1.000 đồng đến 50.000 đồng. Vậy là vừa vui, vừa giảm áp lực cho hầu bao.

Ngại họ hàng “tra hỏi”

Có lẽ nỗi sợ lớn nhất của giới trẻ dịp Tết là bị hỏi khó. Người chưa kết hôn sẽ bị hỏi “Bao giờ lấy chồng/vợ?”; người đã có gia đình lại bị xoáy “Bao giờ sinh con?”, người sinh con rồi lại đứng hình với “Bao giờ đẻ đứa nữa?”, “Thưởng Tết được bao nhiêu?”… Những tình huống này khiến cho giới trẻ ngày nay trở nên xa cách với họ hàng. Vì thế cũng dần ngại việc thăm họ hàng vào dịp Tết.

Những câu hỏi "gây khó" của họ hàng vào dịp Tết

Hãy giữ thế chủ động bằng cách mau miệng hỏi thăm sức khỏe bà con chòm xóm trước. Luyên thuyên thăm hỏi mọi người để họ quên mất đi những câu hỏi “kém duyên” với bạn. Hoặc bạn cũng có thể hướng sự chú ý của họ sang một đối tượng khác để né tránh những câu hỏi khó. Vì “Tết mà, sao phải hỏi khó nhau”.

Tết không còn thú vị như ngày xưa

“Tết không vui như xưa” có lẽ là cảm nhận của nhiều bạn trẻ mỗi độ xuân sang. Nếu Tết xưa ông bà bày gạo nếp, đỗ xanh làm bánh chưng bánh tét. Mùng 1 cả đại gia đình quây quần bên mâm cơm. Thế nhưng Tết nay ai ai cũng cắm cúi với smartphone. Tết vì thế cũng nhạt hơn. Vì thế, bạn hãy rủ các thành viên trong gia đặt smartphone xuống. Thay vào đó, hãy cầm remote TV lên để cùng thưởng thức những chương trình giải trí yêu thích. Chẳng hạn như Táo quân, Gặp nhau cuối năm,… Hoặc có thể rủ cả nhà cùng xem các bộ phim tâm lý hài hước. Tết sẽ sum vầy và hạnh phúc khi cả nhà cùng nhau thư giãn.

Tết đồng nghĩa với được nghỉ học nghỉ làm, được xúng xính áo quần du xuân trẩy hội. Thế nhưng với nhiều bạn trẻ, Tết lại là chuỗi ngày “vừa mong đến nhanh, lại vừa mong hết sớm”. Tuy nhiên, truyền thống không dễ thay đổi. Nhiều bạn trẻ vẫn rất chờ mong được đoàn tụ cùng gia đình vào dịp Tết.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *